Chùa Tây Thiên là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam được xây dựng kì công với lối kiến trúc độc đáo. Thiện viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền thiền tự cổ Thiên Ân Thiền Tự có từ thế kỷ thứ 3, đây là nơi thu hút hàng ngàn du khách hành hương về cõi Phật mỗi năm và cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Vĩnh Phúc.
Giới thiệu chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc
Chùa Tây Thiên ở đâu ?
Chùa Tây Thiên tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội khỏang 85km về phía Tây. Đây là một trong 3 thiền viện lớn nhất tại Việt Nam bao gồm Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Đây không chỉ là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam mà còn là nơi đào tạo Phật giáo một cách bài bản, hệ thống nhất cả nước.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du ịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991. Quần thể này tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, đây là trung sơn điểm giữa các huyết mạch quốc gia bao gồm Đền Hùng của nhà nước Văn Lang thờ các vua Hùng dựng nước, chùa Hương, Chùa Yên Tử.
Lịch sử chùa Tây Thiên
Lịch sử chùa Tây Thiên gắn liền với sự ra đời và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây là cái nôi của Phật học, tương truyền vào thế kỷ thứ 3, hòa thượng Khương Tăng Hội đã dừng chân tại đây dựng chùa truyền giáo. Cha của vị hòa thượng này là người nước Khương Cư sinh sống tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ. Cha mẹ ông mất khi ông lên mười tuổi, Khương Tăng Hội mất năm 280 tại nước Tần.
Theo ngọc phả thời Hùng Vương, vào thời vua Hùng thứ 6 Hùng Chiêu Vương lên núi Tam Đảo ngự lãm hội quần tiên thì phát hiện trên đỉnh núi có một am nhỏ đề bốn chữ Tây Thiên Cổ Tự, từ đó vua cho lập đàn tràng cử hành chay lễ.
Nơi khởi nguồn của phật giáo Việt Nam
Theo sử sách ghi chép lại, chùa Tây Thiên là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam được truyền từ Ấn Độ vào thời Hùng Vương khoảng năm 300 TCN và mở đầu là Thiền học. Vào thời Vua Hùng mặc dù lãnh thổ nước ta còn nhỏ bé nhưng khu vực Tây Thiên này lại sở hữu địa hình đồi núi liên hòn, có suối chảy, thác cao, những khu rừng thâm u rậm rạp, phong cảnh thanh tịnh vô cùng thích hợp cho những người tu Thiền, muốn cầu giác ngộ giải thoát.
Vào thời Hùng Vương, các nhà sư Ấn Độ trên đường đi truyền đạo ở nước ta khi đến Vĩnh Phúc gần với kinh đô Văn Lang, họ thấy nơi đây dân cư đông đúc, cảnh sắc thanh tịnh và đẹp gần giống với cảnh Phật tại Ấn Độ nên họ dừng chân tại chốn đây để hành đạo. Từ đó nơi đây trở thành nơi các Thiền sư về ẩn tu, dựng lập các Thiền Tự.
Danh tự Tây Thiên mang ý nghĩa ám chỉ đây là nơi khởi nguồn của đạo Phật tại Việt Nam, theo nghĩa đen là Trời Tây. Trong kinh Phật, Tây Thiên/Tây Trúc được dùng để nói đến nước Ấn Độ – Khởi nguồn của đạo Phật trên thế giới.
Thời điểm thích hợp đến Tây Thiên
Bạn có thể kết hợp hành hương đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng bạn nên đến nơi đây vào những dịp lễ đặc biệt của nhà Phật đặc biệt vào hai thời điểm dưới đây:
- Lễ hội Tây Thiên được tổ chức vào 15/2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu. Đến với Tây Thiên thời điểm này, bạn sẽ được tham gia lễ hội rất náo nhiệt với các hoạt động chính như lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
- Các khóa tu mùa hè được tổ chức hàng năm mỗi khi kỳ nghỉ hè đến. Những khóa tu này thu hút sự tham gia của rất nhiều học sinh, sinh viên. Đây cũng là mùa du lịch của Thiền viện. Những khóa tu này góp phần giáo dục đạo đức, tâm hồn cho thế hệ trẻ.
Nếu bạn đến chùa Tây Thiên vào hai thời điểm này thì nên lên kế hoạch từ sớm bởi thời gian này khách hành hương đến chùa rất đông, bạn nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống từ trước để tránh tình trạng bị chặt chém.
Cách di chuyển đến chùa Tây Thiên
Đối với khách hành hương miền Bắc có 3 cách thức di chuyển đến Tây Thiên: ô tô, xe máy, xe bus. Nếu bạn lựa chọn ô tô, xe máy thì bạn hãy di chuyển theo hướng cầu Thăng Long, đến ngã tư Nam Hồng thì rẽ trái men theo tuyến đường Mê Linh – Phúc Yên – Vĩnh Yên. Tới ngã 4 đi Nội Bài rồi rẽ trái đi Phúc Yên – Vĩnh Yên. Khi đến đầu thành phố Vĩnh Yên sẽ có biển chỉ dẫn đến Tây Thiên, di chuyển khoảng 20km là và tới khu danh thắng này. Vào mùa du lịch, khách hành hương đến Tây Thiên rất đông nên khi di chuyển, bạn nên hết sức cẩn thận tại những đoạn cua đèo nguy hiểm.
Ngoài xe máy, ô tô để di chuyển đến chùa Tây Thiên bạn cũng có thể lựa chọn xe bus. Từ Hà Nội đến Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc sẽ mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ. Từ các bến xe Hà Nội, bạn bắt xe bus 58, xuống điểm dừng Mê Linh Plaza rồi tiếp tục bắt xe 01 đến bến xe Vĩnh Yên. Tại đây bạn tiếp tục bắt xe 07 của Vĩnh Phúc để đến Tây Thiên.
Đối với khách hành hương miền Nam, bạn có thể đi máy bay ra Hà Nội rồi đi xe bus hoặc thuê ô tô đến Tây Thiên như lộ trình đã được hướng dẫn bên trên.
Phương tiện di chuyển trong chùa
Chùa Tây Thiên tọa lạc trên núi nên vấn đề di chuyển tại đây được rất nhiều người quan tâm. Có 3 cách di chuyển: leo bộ, xe điện, cáp treo. Đường lên Tây Thiên khá dễ đi nên nếu như bạn có sức khỏe, ít hành lý, thời tiết mát mẻ thuận lợi thì có thể lựa chọn leo bộ kết hợp vãn cảnh. Tuy nhiên đường lên khá dốc và dài nên bạn hãy cân nhắc.
Xe điện và cáp treo là hai phương tiện được lựa chọn nhiều nhất. Nếu bạn mang theo nhiều hành lý thì nên lựa chọn cách di chuyển này. Hiện nay có khoảng 20 xe điện 8 chỗ hiện đại chuyên chở du khách từ bến xe điện sát đền Thỏng và chùa Thiên Ân đến nhà ga đi cáp treo. Giá vé xe điện khứ hồi là 40.000 đồng/người.
Giá vé cáp treo tại chùa Tây Thiên
Để lên đền Thượng, bạn nên di chuyển bằng cáp treo bởi đường lên đền khá dốc, cao và dài (khoảng4km). Nếu đi bộ sẽ mất khoảng 2-3 tiếng. Từ ga cáp treo, bạn đi bộ lên sân ga và mua vé rồi di chuyển lên tầng 2 vào cabin. Mỗi cabin có sức chứa 6 người. Giá cáp treo là 130.000 đồng/người/lượt, giá vé khứ hồi là 200.000 đồng/người.
Các điểm đến tại chùa Tây Thiên
Quần thể chùa Tây Thiên rất rộng lớn nên tùy vào khoảng thời gian hành hương mà bạn nên lựa chọn những điểm đến phù hợp. Dưới đây là những điểm đến bạn nên ghé qua khi đến chùa Tây Thiên.
- Đền Thõng, cây đa chín cội hàng trăm năm tuổi.
- Cáp treo Tây Thiên.
- Đền Quốc Mẫu Tây Thiên tọa lạc trên đỉnh núi Tây Thiên.
- Đại Bảo Tháp Kim Cương Thừa Mandala được thiết kế theo kiến trúc phật giá Kim Cương Thừa, xây dựng đầu tiên tại Việt Nam.
- Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm.
- Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cách đền Thõng 500m.
- Thác Bạc.
Chùa Tây Thiên là địa điểm tâm linh không thể bỏ qua khi đến với Vĩnh Phúc. Đây là nơi tâm linh nên bạn cần lưu ý về ăn mặc. Không nên mặc đồ hở hang, váy, áo sát nách khi đến chùa. Nếu bạn mang theo con nhỏ, bạn không nên cho trẻ chơi ở khu thác Bạc tránh đuối nước, trượt chân té ngã vô cùng nguy hiểm. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về một trong những Thiền viện lớn nhất Việt Nam và có kế hoạch hành hương phù hợp.