Tình yêu là một trong những tình cảm phức tạp và thiêng liêng của mỗi con người. Thế nhưng, chấp niệm trong tình yêu lại gây cho chúng ta rất nhiều phiền não. Làm thế nào để tình yêu thực sự giúp chúng ta thăng hoa? Hãy nghe và cảm nhận những lời Phật dạy về sự buông bỏ trong tình yêu để thấy được nên yêu thế nào trong cõi vô thường này.
Yêu một người, thương một người, vì một người mà cười, vì một người mà khóc. Những cung bậc tình ái ấy hẳn là mỗi người sống trên đời này đều trải qua ít nhất một lần. Thế nhưng, cuộc sống vô thường, tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật.
Lời Phật dạy về việc buông bỏ trong tình yêu giúp chúng ta cân bằng lại thân tâm, hiểu được tình yêu không phải là bất biến. Bởi vậy mà người đời có câu: không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những phút giây vĩnh cửu trong tình yêu. Khi tình yêu không như chúng ta mong cầu, không còn phù hợp nữa, khi tình yêu chỉ mang cho chúng ta đau khổ, hãy mạnh dạn mà buông bỏ, ấy mới là hạnh phúc. Lời Phật dạy buông bỏ trong tình yêu, chính là để chúng ta đạt đến cảnh giới của sự an lạc sau đây:
– Không tranh giành – chính là từ bi
Phật dạy rằng, mọi thứ trên đời đều do nhân duyên mà thành. Gặp một người, yêu một người, kết hôn với một người, ấy đều là do duyên nợ đã hình thành từ kiếp trước. Nếu tình yêu có được do tranh giành, thì có gì vui vẻ.
Rất nhiều cuộc tình tay ba, người mất hay được cuối cùng đều không thấy vui vẻ. Đôi khi chúng ta dùng thủ đoạn để cưới một người, nhưng cái nhận lại chỉ là thể xác, không thể có được sự đồng điệu tất yếu của tâm hồn. Tình yêu không được xây dựng từ tình cảm, ấy là một tình yêu chết.
Phật dạy về sự buông bỏ trong tình yêu, chính là khuyên chúng ta mọi thứ nên thuận theo lẽ tự nhiên. Tình yêu là do duyên nợ, đừng quá cưỡng cầu. Duyên đến thì hợp, duyên hết thì tan. Biết tự mình buông bỏ ấy mới là hạnh phúc. Không chỉ là giải thoát cho mình, còn là để tạo thiện duyên cho người.
– Không tranh cãi – chính là trí huệ
Nhiều người khi yêu nhau, những bất đồng trong cuộc sống dẫn đến tranh cãi. Tranh cãi càng nhiều tình yêu càng rạn nứt, tranh cãi càng sâu sự tôn trọng nhau càng giảm dần. Dần dần, dẫn đến chia tay nhưng trong lòng còn nhiều oán hận đối phương.
Lời Phật dạy buông bỏ khuyên chúng ta không nên tranh cãi. Không tranh cãi không chỉ là nhẫn nhịn đối phương khi đối phương quá đáng. Không tranh cãi còn là trí huệ giúp mọi sự có thể được giải quyết trong hòa bình, dẫu có chia tay cũng dễ dàng buông bỏ chấp niệm, cũng là một cách chữa lành mọi vết thương lòng nhanh chóng vậy.
Mọi thứ trên đời đều có nhân quả nghiệp báo, những chuyện cơm không lành canh không ngọt chính đa phần là do vợ chồng không nhường nhịn nhau. Có câu: “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”, chính là khuyên chúng ta nên tôn trọng nhau, nhẫn nhịn nhau, tránh tranh cãi trong đời sống vợ chồng, tập buông bỏ những vụn vặt không đáng, chính là cách để giữ gìn hôn nhân hạnh phúc lâu bền.
– Không nghe – chính là thanh tịnh
Khi thực sự yêu thương một ai đó, hãy để người đó được là chính mình. Sự soi xét quá mức sẽ làm đối phương ngột ngạt trong tình yêu, và tất yếu chia tay là điều khó tránh khỏi.
Cuộc sống tình yêu có đầy đủ hương vị đắng, ngọt, chua, cay. Mỗi người ngoài tình yêu đôi lứa, còn có những khoảng trời riêng của mình. Lời Phật dạy buông bỏ trong tình yêu chính là khuyên chúng ta nên tập quán chiếu mọi vấn đề thật sâu sắc, yêu đương không phải là ngục tù để kìm hãm một con người. Tình yêu chính là giúp nhau thăng hoa, nhược bằng ngược lại, thì đó không phải là tình yêu đích thực.
– Không nhìn – chính là tự tại
Khi mọi thứ đã khó an bày, cuộc tình chia tay dù muốn dù không thì cả hai đều đau khổ. Đừng ngoái đầu nhìn lại quá khứ để mãi sống trong sự dằn vặt của tình yêu. Đừng tự trách mình, cũng đừng nhìn vào cuộc sống của người đó sau chia tay để nuối tiếc ân hận.
Mọi thứ trên đời đều có nhân quả. Hãy tu tập theo lời Phật dạy về sự buông bỏ, chúng ta đã hết nhân duyên, nên đường ai nấy bước. Đóng một cánh cửa lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, hà cớ gì cứ quay đầu về quá khứ để tự trói chặt tương lai của mình?
– Tha thứ – chính là giải thoát
Người yêu gây đau khổ cho bạn khi yêu, chia tay rồi bạn mãi giữ tâm oán hờn? Được gì ích gì. Người đã ra đi, oán sầu mình ta giữ, rồi rốt cuộc cũng chỉ mình ta ôm sầu hận, tự mình cản đường nhân duyên của mình.
Người bạn gặp trong kiếp này, ở bất cứ hoàn cảnh thời điểm nào, ấy cũng là sự an bài của nhân duyên. Người gây cho bạn đau khổ chính là để báo oán đã có từ kiếp trước. Nếu trong lòng cứ giữ mãi oán hờn, oan nghiệp sẽ kéo dài mãi trong vòng luân hồi không thoát ra được.
Lời Phật dạy về buông bỏ trong tình yêu giúp chúng ta tỉnh ngộ ra rằng, chỉ có thứ tha, chỉ có thực sự buông bỏ những oán hận mà người đã gây cho ta. Tình dù sâu nặng cũng đã đến lúc chia lìa, cớ gì lại tự mình làm khổ thân tâm.
Tha thứ cho người chính là mở lối cho mình. Gieo thiện căn gặt thiện lành. Ai gây oan nghiệt, người đó sẽ tự nhận nhân quả ở đời. Bản thân ta cứ nhẹ nhàng mà buông bỏ, tương lai ắt sẽ gặp lành. Và hiện tại, thân khỏe tâm an, chắc chắn rồi sẽ gặp được nhân duyên tốt của đời mình.
– Biết đủ – chính là buông
Lời Phật dạy buông bỏ không nằm ngoài quy luật nhân quả và chữ duyên nợ ở đời. Trong tình yêu, biết đủ thì sẽ đủ. Biết vừa đủ chính là cảnh giới cao nhất của sự buông bỏ, cũng là cảnh giới cao nhất trong tình yêu. Chúng ta yêu một người bởi chính con người họ. Chúng ta yêu trong tâm thức tỉnh táo, hiểu rõ tính vô thường trong tình yêu, hiểu được tình yêu đến và đi như thế nào. Như vậy, chúng ta sẽ không còn sợ sệt vào hôn nhân, cũng không quá bám víu vào hôn nhân để tự gây đau khổ cho mình.
Nhiều khi, chúng ta kết hôn với người mà ta không yêu, cũng như li hôn với người ta vẫn còn yêu tha thiết. Cuộc đời này có nhiều chuyện nằm ngoài tầm với, vì vậy chỉ cần chúng ta nhìn nhận đối mặt với một thái độ sáng suốt chân thành, như vậy sẽ nhận ra được bản chất thật của tình yêu.